
Đánh giá tác động của FDI tới năng suất của các khu vực doanh nghiệp Việt Nam.
Bài viết đánh giá chi tiết hơn tác động của FDI tới năng suất của các khu vực doanh nghiệp Việt Nam.
Các nghiên cứu phân chia tác động của FDI tới doanh nghiệp
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một chính sách quan trong trong chiến lược nâng cao năng suất tại các quốc gia đang phát triển. Các doanh nghiệp FDI được kỳ vọng mang lại công nghệ, vốn, kỹ năng, kinh nghiệm quản trị hiệu quả, từ đó có tác động tích cực tới năng suất của các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, những bằng chứng thực nghiệm cho thấy tác động tích cực này của FDI không rõ ràng (Hồ Đình Bảo, 2020). Aitken & Harrison (1999) nghiên cứu trường hợp Venezuela cho thấy các doanh nghiệp FDI ảnh hưởng tiêu cực tới năng suất của các doanh nghiệp trong nước. Nghiên cứu khác của Lin & cộng sự (2009) về doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy tác động của liên kết ngang phụ thuộc vào xuất xứ vốn đầu tư nước ngoài, và tác động tổng thể không rõ ràng.
Kể từ sau Đổi mới, khu vực doanh nghiệp FDI đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, dòng vốn FDI vẫn chủ yếu tập trung trong những ngành sử dụng nhiều tài nguyên và lao động, liên kết với các doanh nghiệp trong nước rất hạn chế. Thực tiễn này đặt ra vấn đề cần phải có nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá cập nhật và đầy đủ về tác động của FDI tới năng suất của các doanh nghiệp trong nước. Khu vực, loại hình, quy mô doanh nghiệp nào nhận được tác động tích cực? Khu vực loại hình, quy mô nào bị ảnh hưởng tiêu cực? Cơ chế tác động nào cho các khu vực, loại hình và quy mô đó? Trên cơ sở đó đưa ra các hàm ý chính sách phù hợp cho từng khu vực, loại hình và quy mô khác nhau.
Nghiên cứu này sử dụng phương pháp phân tích biên ngẫu nhiên (SFA) để phân rã các thành phần của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), từ đó đánh giá chi tiết hơn tác động của FDI tới năng suất của các khu vực doanh nghiệp Việt Nam.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng phương pháp hồi quy GMM dựa trên dữ liệu mảng từ các cuộc điều tra doanh nghiệp giai đoạn 2010-2018 để đánh giá tác động của FDI tới năng suất của các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, chúng tôi chia mẫu nghiên cứu theo vùng, quy mô doanh nghiệp, loại hình sở hữu, nguồn gốc đầu tư, hình thức đầu tư, trình độ công nghệ để xem xét các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ tác động từ FDI của các doanh nghiệp trong nước.
Nghiên cứu này gồm 5 phần: (i) Mở đầu; (ii) Tổng quan nghiên cứu; (iii) Phương pháp nghiên cứu và số liệu; (iv) Kết quả thực nghiệm; và (v) Kết luận.
Tổng quan nghiên cứu
Các nghiên cứu phân chia tác động của FDI tới doanh nghiệp trong nước thành 2 hiệu ứng: lan toả ngang và lan tỏa dọc. Lan tỏa ngang là hiệu ứng từ các doanh nghiệp FDI tới các doanh nghiệp trong nước trong cùng ngành. Lan tỏa dọc là hiệu ứng từ doanh nghiệp FDI tới doanh nghiệp trong ngành được liên kết với ngành hoạt động của doanh nghiêp FDI trong chuỗi cung ứng. Lan tỏa dọc bao gồm lan tỏa ngược – từ doanh nghiệp FDI tới doanh nghiệp thượng nguồn, và lan toả xuôi – từ doanh nghiệp FDI tới doanh nghiệp hạ nguồn.
Lan tỏa ngang có thể tích cực hoặc tiêu cực. Sự tồn tại của hiệu ứng này phụ thuộc vào mức độ chuyển giao và rò rỉ công nghệ của doanh nghiệp FDI tới doanh nghiệp trong nước. Nếu các doanh nghiệp FDI không chuyển giao và không để rò rỉ công nghệ thì không có hiệu ứng lan toả. Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy lan tỏa ngang từ doanh nghiệp FDI tới doanh nghiệp trong nước tại các quốc gia đang phát triển là hạn chế (Aitken & Harrison, 1999; Blalock & Gertler, 2008; Javorcik, 2004), điều này trái ngược với bằng chứng từ các quốc gia phát triển (Keller và Yeaple, 2003; Haskel & cộng sự, 2002; Liu & cộng sự, 2000). Tại các quốc gia đang phát triển, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI hoạt động trên các thị trường khác nhau: doanh nghiệp trong nước cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa với nhu cầu chất lượng thấp và trung bình, ngược lại doanh nghiệp FDI hướng tới thị trường quốc tế, cung cấp hàng hóa chất lượng cao (Liang, 2017). Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước thường gặp phải giới hạn trong năng lực hấp thụ công nghệ mới và kỹ năng quản trị từ các tập đoàn đa quốc gia (Blalock & Gertler, 2008).
Lan tỏa tích cực có thể xảy ra giữa các ngành liên kết dọc, thông qua liên kết ngược khi doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ cho nhà cung cấp địa phượng hoặc thông qua liên kết xuôi khi doanh nghiệp trong nước nhận được đầu vào chất lượng cao từ các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI trong ngành thượng nguồn có thể sản xuất linh kiện và thiết bị với chất lượng cao hơn, có thể cung cấp hỗ trợ cho doanh nghiệp
trong nước khi họ mua thiết bị. Do đó doanh nghiệp trong nước ở hạ nguồn có thể cải thiện năng suất khi có sự tham gia của doanh nghiệp FDI ở thượng nguồn (Blalock & Gertler, 2008; Liang, 2017). Lan tỏa xuôi có thể là tiêu cực nếu sản phẩm của doanh nghiệp FDI quá đắt hay quá phức tạp về mặt kỹ thuật để các doanh nghiệp trong nước có thể sử dụng (Javorcik, 2004).
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI: (i) Nếu khoảng cách công nghệ là quá lớn thì các doanh nghiệp trong nước sẽ ít có khả năng bắt chước hay thu nạp các tri thức từ doanh nghiệp FDI (Blalock & Gertler, 2009; Sawada, 2010); (ii) Tại những quốc gia độ mở thương mại lớn các doanh nghiệp trong nước có khả năng tích lũy được kinh nghiệm khi tương tác với các đối tác quốc tế, do đó gia tăng khả năng hấp thụ tác động tích cực từ các doanh nghiệp FDI (Lesher & Miroudot, 2008); và (iii) Hình thức đầu tư, Javorcik (2004) cho rằng hình thức liên doanh có hiệu quả hơn so với hình thức 100% vốn nước ngoài trong việc chuyển giao công nghệ tới doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp liên doanh có xu hướng tìm kiếm đầu vào từ các nguồn trong nước, trong khi đó các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có xu hướng sử dụng đầu vào nhập khẩu. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng đề cập tới nhiều yếu tố khác như: vốn con người (Narula & Marin, 2003), mức độ phát triển tài chính (Alfaro & cộng sự, 2004), tính tương đồng về văn hóa giữa quốc gia xuất xứ và quốc gia tiếp nhận (Crespo & Fontoura, 2007).
Một số nghiên cứu về Việt Nam cho thấy FDI đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước do đó ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế (Lê Quốc Hội, 2008; Nguyễn Thị Tuệ Anh, 2009; Hồ Đình Bảo, 2020).
Sử dụng số liệu Điều tra doanh nghiệp giai đoạn 2003-2007, Hoang và Pham (2010) chỉ ra rằng FDI tác động tích cực tới năng suất của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong việc thu hẹp khoảng cách công nghệ và cải thiện chất lượng lao động. Nghiên cứu của Nguyen Dinh Chuc & cộng sự (2008) cho thấy liên kết ngược là kênh lan tỏa tích cực của FDI, các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận đầu vào rẻ hơn, với chất lượng cao hơn từ các doanh nghiệp FDI. Nghiên cứu của Nguyen Phi Lan (2008) cho thấy trong giai đoạn 2000-2005, các kênh liên kết ngang và liên kết ngược mang lại tác động cải thiện năng suất của các doanh nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam, trong khi đó liên kết xuôi tác động tiêu cực.
Nhận xét thực nghiệm
Như vậy, những kết quả thu được ở trên đã đưa ra những bằng chứng về lan tỏa của FDI tới các doanh nghiệp là rất khác nhau về quy mô, sở hữu và hình thức đầu tư. Trong khi tác động tích cực từ liên kết ngược được tìm thấy ở hầu hết các ước lượng, ảnh hưởng của nó không đủ để bù đắp cho tác động tiêu cực từ FDI cùng ngành và FDI ở thượng nguồn. Tuy vậy, tác động tích cực nhờ liên kết ngược là khá lớn đối với hiệu quả kỹ thuật cũng như hiệu quả quy mô của doanh nghiệp trong nước. Đây được coi là kết quả tích cực của FDI xét từ hiệu quả kinh tế gián tiếp. Tuy nhiên, có sự khác nhau về mức độ tác động tổng thể của FDI tới doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước nhận được tác động tích cực, trong khi đó doanh nghiệp tư nhân lại nhận tác động tiêu cực, ngay cả khi phân tách tác động theo liên kết xuôi và ngược.
Sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI có tác động tiêu cực tới nhóm doanh nghiệp trong nước có trình độ công nghệ trung bình và cao nhưng lại có tác động tích cực tới nhóm có trình độ công nghệ thấp. Nguyên nhân có thể là do các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chủ yếu tập trung các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là các ngành có trình độ công nghệ tương đối cao. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI cũng chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có trình độ công nghệ trung bình trở lên. Do vậy, các doanh nghiệp có trình độ công nghệ thấp ít bị cạnh tranh hơn từ các doanh nghiệp FDI và thậm chí còn được hưởng lợi từ kênh lan tỏa xuôi.
Những phát hiện nêu trên cho thấy rằng những chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước trong việc tạo dựng và phát triển liên kết giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước cần phù hợp với từng nhóm đối tượng doanh nghiệp khác nhau thay vì những chính sách dàn trải, đổ đồng cho tất cả các doanh nghiệp. Hệ thống chính sách hiện tại về cơ bản đảm bảo bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp nhưng không thực sự hiệu quả khi xem xét đến đặc thù của từng nhóm khác nhau, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
File chi tiết – xem tại đây: Các nghiên cứu phân chia tác động của FDI tới doanh nghiệp