
Hoạt động Tín dụng nông nghiệp – nông thôn ở Việt Nam hiện nay
Bài viết giới thiệu nội dung: thực trạng tín dụng nông nghiệp – nông thôn ở Việt Nam hiện nay
tín dụng với nông nghiệp, nông thôn
Hoạt động tín dụng với nông nghiệp, nông thôn hiện nay
Hoạt động tín dụng với nông nghiệp, nông thôn đã đạt được những kết quả nhất định và đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông thôn, song nhìn lại có thể thấy còn những hạn chế như: tín dụng với nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu và mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn; Hiệu quả của tín dụng ngân hàng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn chưa cao; Gắn kết được giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ ở nhiều vùng nông thôn chưa được khai thác tốt. Cụ thể:
Một là, khả năng tiếp cận của các hộ nông dân thiếu vốn với các nguồn tín dụng chính thức chưa cao: Tăng trưởng tín dụng trong nông, lâm, ngư thời gian qua tuy tăng nhanh nhưng cũng chỉ mới đáp ứng được 40% nhu cầu vay. Nhiều hộ nông dân còn gặp vướng mắc trong quy định về thế chấp khi vay vốn và thu hồi nợ. Những vướng mắc bắt nguồn từ thủ tục vay, trả nợ đang là cản trở lớn của dòng chảy vốn về tay bà con nông dân.
Do đó, ở nông thôn đang phổ biến tình trạng nông dân mua nợ vật tư nông nghiệp của các đại lý với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường hoặc vay lãi cao của nguồn tín dụng đen. Nghị định 41 của Chính phủ đã mở ra nhiều ưu đãi, đặc biệt là mở rộng hạn mức và điều kiện vay vốn nhưng kênh tín dụng với nông nghiệp, nông thôn dự báo sẽ vẫn khó chảy một cách thông suốt, nếu không được tháo gỡ và khơi thông.
Hai là, hạn mức cho vay chưa phù hợp với qui mô và quy trình tái sản xuất trong nông nghiệp. Các khoản vay của ngân hàng thường ở mức thấp, khó đáp ứng nhu cầu sản xuất hiệu quả. Mặt khác, nguồn vốn cho các đối tượng vay thường phân bổ theo từng đợt mà chưa xuất phát từ nhu cầu sản xuất thực tế. Hạn chế này khiến cho hộ nông dân khó có phương án sử dụng các nguồn lực hiện có một cách có hiệu quả, thậm chí còn có hiện tượng thụ động trước yêu cầu sản xuất kinh doanh của mình.
Ba là, phát huy tác dụng của nguồn vốn tín dụng với nông nghiệp, nông thôn trong phát triển nông nghiệp và nâng cao đời sống nông dân chưa đồng đều. Chỉ có một số ít các chủ thể kinh tế trong nông thôn có năng lực vay vốn với khối lượng lớn để mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa hướng thị trường. T
rong khi ấy, đa số chủ thể vay vốn là hộ nông dân nghèo, năng lực yếu, khả năng lập dự án sản xuất kinh doanh hạn chế, sử dụng vốn kém hiệu quả, còn thụ động trông chờ vào sự nâng đỡ và hỗ trợ của Nhà nước.
Bốn là, cơ cấu huy động và cho vay vốn tín dụng trên thị trường tín dụng nông thôn chưa hợp lý. Nguồn vốn huy động chủ yếu từ tiết kiệm trong dân cư, huy động vốn ngắn hạn mà chưa đẩy mạnh huy động vốn tín dụng dài hạn, dẫn đến tình trạng cho vay của ngân hàng là vốn ngắn hạn và có hiện tượng khi dùng vốn tín dụng ngắn hạn chuyển sang cho vay dài hạn đã làm gia tăng mức độ rủi ro trong hoạt động tín dụng.
Năm là, phương thức cho vay vốn tín dụng trong nông thôn chưa đa dạng, chủ yếu là cho vay tín dụng trực tiếp. Các nghiệp vụ tín dụng khác như chiết khấu, cho thuê tài chính chưa thực sự được triển khai. Ở khu vực nông thôn còn thiếu vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ mới và xây dựng kết cấu hạ tầng.
Sáu là, việc điều hành lãi suất tín dụng còn nhiều bất cập. Đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trong huy động tiền gửi từ dân cư và các tổ chức kinh tế khác. Tình trạng cạnh tranh đó thường diễn ra giữa các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) với các tổ chức tín dụng Nhà nước. Thực tế, các NHTMCP thường quy định lãi suất tín dụng cao, thậm chí mức lãi suất vượt quá ngưỡng hiệu quả thị trường cho phép, buộc các tổ chức tín dụng Nhà nước cũng phải nâng lãi suất huy động để thu hút vốn. Điều đó đã tiềm ẩn những rủi ro cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Về lãi suất cho vay, mức lãi suất cho vay hiện còn cao so với hiệu quả chung của sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Do thu nhập của dân cư thấp, tích lũy hạn hẹp nên khi trả lãi suất cao từ vay vốn tín dụng đã làm giảm năng lực nội sinh của khu vực nông nghiệp, nông thôn đang được Nhà nước chú trọng phát triển. Đồng thời, cùng với những rủi ro trong kinh doanh, có tình trạng nợ quá hạn tồn đọng tại các ngân hàng lớn và chuyển thành nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng nói chung.
Những hạn chế trong chính sách tín dụng với nông nghiệp, nông thôn vừa qua có nhiều nguyên nhân: Tư duy bao cấp trong hoạt động tín dụng với nông nghiệp, nông thôn còn tồn tại làm méo mó thị trường tài chính nông thôn dẫn đến tăng chi phí hoạt động đẩy lãi suất cho vay thực của các định chế tài chính; Các tổ chức tín dụng khác ngoài tín dụng chính thức tham gia cho vay ở khu vực này quá ít dẫn đến cơ cấu đầu tư của hệ thống ngân hàng NN&PTNT, ngân hàng chính sách XH và quỹ tín dụng nhân dân chiếm tới 85% dư nợ cho vay của khu vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, các kênh tín dụng còn phân tán, việc cho vay ưu đãi được thực hiện qua nhiều đầu mối (quỹ hộ trợ phát triển, NHNN&PTNT, NH chính sách XH) với nhiều mức cho vay khác nhau nên khách hàng thiếu thông tin để tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Năng lực thực hiện dự án và tích lũy vốn của người nông dân còn rất hạn chế cũng ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp cận cũng như sử dụng vốn tín dụng. Đặc biệt từ năm 2007-2010, tỷ lệ lạm phát cao nên mức tích lũy của người dân càng thấp trong khi nhu cầu đầu tư sản xuất rất lớn. Tình trạng sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thiên tai bão lụt cũng khiến cho nguồn tín dụng vay tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Giải pháp tăng cường hiệu quả của tín dụng với nông nghiệp, nông thôn
Xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn mới, chính sách tín dụng với nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả của nguồn tín dụng, tạo động lực cho người nông dân vươn lên tăng thu nhập và cải thiện mức sống của mình. tín dụng với nông nghiệp, nông thôn phải kết hợp được cả mục tiêu trước mắt và lâu dài với phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt gắn với chương trình xây dựng thôn mới hiện nay. Do vậy, để tiếp tục phát triển và tăng cường hiệu quả của tín dụng với nông nghiệp, nông thôn cần:
Về phía Nhà nước:
Cần ban hành đồng bộ chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn: Trước mắt, cần nhanh chóng xây dựng để ban hành quy định tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho nông dân trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng của Nhà nước. Quy định này phải đạt hai mục tiêu là tạo cơ chế phù hợp để chuyển vốn cho nông nghiệp, nông thôn với lãi suất phù hợp, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn tín dụng, cũng như hỗ trợ cả các tổ chức tín dụng và người nông dân khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan gặp phải trong sản xuất kinh doanh.
Để có nguồn vốn ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn, Nhà nước cần có cơ chế tạo động lực cho các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng với nông nghiệp, nông thôn, đồng thời đảm bảo hệ số nợ an toàn vốn theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Muốn vậy, Nhà nước cần tăng vốn điều lệ và có chính sách giảm thuế thích hợp để các tổ chức tín dụng có điều kiện mở rộng cho vay nông nghiệp, nông thôn với lãi suất hợp lý.
Để giảm giá vốn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng khi cho vay thì Chính phủ và Ngân hàng nhà nước cần có cơ chế giải pháp cung ứng các nguồn vốn lãi suất thấp cho ngân hàng TM phục vụ cung ứng tín dụng với nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, nguồn vốn cho thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn cũng phải được huy động từ nhiều nguồn như ngân sách Nhà nước, vốn tài trợ,…
Nhà nước cũng cần có chính sách thu hút và khuyến khích hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô trong nước và quốc tế thực hiện cho vay hộ sản xuất, hộ nghèo. Nhà nước cần có biện pháp kêu gọi các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế đầu tư vốn cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông ở các vùng nông thôn. Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiêu thụ hàng nông sản, thực phẩm, tiếp nhận thông tin về thị trường, kiến thức KHKT và quản lý sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, phải có chính sách tạo cơ chế kết nối giữa tín dụng chính thức và tín dụng phi chính thức (vay mượn người thân, phường, hội…) tránh người dân phải vay tín dụng đen. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, chương trình tín dụng nông thôn thành công nhờ biết phối hợp cả hai khu vực trong việc cung cấp dịch vụ tài chính cho nông nghiệp, nông thôn.
Đối với các tổ chức tín dụng hoạt động tín dụng với nông nghiệp, nông thôn:
Cần tăng cường năng lực tài chính, quản trị rủi ro và đổi mới hoạt động của các tổ chức tín dụng với nông nghiệp, nông thôn (Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân).
Trước hết, thực hiện tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng với nông nghiệp, nông thôn: Các tổ chức tín dụng thực hiện tín dụng với nông nghiệp, nông thôn cần sớm triển khai xây dựng và thực hiện tốt hệ thống kiểm soát tín dụng nội bộ nhằm hỗ trợ cho quản trị rủi ro. Nghiên cứu đưa vào áp dụng mô hình quản trị rủi ro phù hợp với các quy định hiện hành, nâng cao chất lượng thẩm định dự án đầu tư. Đồng thời, quản lý và kiểm tra chặt chẽ quá trình sử dụng vốn tín dụng của các chủ thể vay vốn để hạn chế rủi ro và lành mạnh hóa thị trường tín dụng nông thôn.
Cần phải đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, linh hoạt các thủ tục cho vay và nguồn vốn cho vay cùng với việc phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nông thôn để hỗ trợ nông dân vay vốn, sử dụng và hoàn trả vốn. Do vậy, cần chú ý lựa chọn mục tiêu cho vay căn cứ trên hình thức tín dụng. Cụ thể, tiếp tục cho vay ngắn hạn nhưng có chọn lọc đối tượng, chỉ nên ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp có nhiều lao động. Tiếp tục hỗ trợ vốn vay trung và dài hạn để giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất và tái cấu trúc doanh nghiệp. Cần tiếp tục hỗ trợ vốn vay cho nông dân với mức cho vay lớn hơn, thời hạn dài hơn, điều kiện cho vay thuận lợi hơn.
Tính toán qui mô tín dụng cần thiết cho khu vực nông nghiệp cho phù hợp với thực tế: Các chi nhánh ngân hàng cơ sở, quỹ tín dụng nhân dân cần dựa vào qui hoạch phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn để xây dựng qui mô vốn cho các đối tượng vay phù hợp qui hoạch của địa bàn; bằng nguồn vốn đầu tư khác nhau của Nhà nước và vốn tự có của nông dân và doanh nghiệp, các ngân hàng cần mở rộng vốn trung và dài hạn đến các thành phần kinh tế để sử dụng kết cấu hạ tầng và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Trong đầu tư cho vay cần chú ý ưu tiên mục tiêu nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm. Tiếp tục cải tiến phương thức cho vay vốn của ngân hàng để giảm bớt thủ tục phiền hà và giúp cho người dân không phải vay nguồn vốn lãi suất cao qua tín dụng đen hoặc qua con đường gập ghềnh để đến với nguồn tín dụng chính thức.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng chính thức ngoài việc cho vay nên có biện pháp hướng dẫn người nông dân cách thức xây dựng dự án khả thi và hiệu quả, cách sử dụng đồng vốn vay hợp lý và hiệu qủa, giúp người dân quản lý nợ và rủi ro. Cần định hướng nguồn vốn cho vay gắn kết với các chương trình phát triển kinh tế của địa phương. Đối với các vùng nghèo, vốn cho vay cần được lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, có sự kết hợp công tác khyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với chuyển giao công nghệ mới…
Nói chung, hoạt động tín dụng tuy có những hạn chế nhất định, nhưng nguồn vốn tín dụng với nông nghiệp, nông thôn đã đáp ứng được một phần quan trọng nhu cầu vốn phát triển của khu vực kinh tế nông thôn thời gian qua. Vốn cho vay từ tín dụng với nông nghiệp, nông thôn đã góp phần rất quan trọng trong việc khôi phục các làng nghề truyền thống, tạo thêm nhiều nghề mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển sản xuất hàng hoá và hội nhập.
Trong thời gian tới, chúng ta cần coi trọng đúng mức ảnh hưởng của tín dụng với nông nghiệp, nông thôn và thực sự đổi mới hoạt động của các định chế tài chính phục vụ nông nghiệp, nông thôn… nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống mọi mặt của nông dân.