
Covid-19 và vấn đề bảo vệ quyền thông tin cá nhân trên mạng xã hội
Thực trạng thông tin cá nhân trên mạng xã hội
thông tin cá nhân trên mạng xã hội
Với sự bùng nổ của dịch bệnh Covid-19, thông tin cá nhân của người mắc bệnh và người đang bị cách ly do nghi ngờ mắc bệnh được lan truyền nhanh chóng. Mạng xã hội phát triển, cho phép mọi người có quyền đăng thông tin lên mạng. Quyền năng này tác động tiêu cực đến chủ thể thông tin và xã hội, nếu cá nhân lạm dụng mạng xã hội để đăng tin sai sự thật. Tình trạng này diễn ra phổ biến kể từ khi số lượng ca nhiễm Covid-19 gia tăng nhanh chóng trên thế giới và ở Việt Nam.
Ngày 30 tháng 3 năm 2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Hành vi đưa lên mạng thông tin giả mạo, sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình Covid-19, để lại dư luận xấu; và hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 được quy định trong văn bản này. Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử đã được ban hành vào ngày 03 tháng 2 năm 2020, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 4 năm 2020. Nghị định số 15 quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng được cung cấp, tạo điều kiện cho việc bảo vệ quyền thông tin cá nhân.
Nguyên tắc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân trên môi trường mạng
Nguyên tắc cơ bản nhất trong thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân trên mạng là phải được chủ thể thông tin đồng ý và việc sử dụng thông tin phải phù hợp với mục đích thu thập thông tin như đã thông báo trước với chủ thể đó. Theo Điều 21 Luật Công nghệ thông tin, tổ chức, cá nhân thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên mạng phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp thông tin cá nhân được sử dụng cho các mục đích: (i) Ký kết, sửa đổi hoặc thực hiện hợp đồng sử dụng thông tin, sản phẩm, dịch vụ trên mạng; (ii) Tính giá, cước sử dụng thông tin, sản phẩm, dịch vụ trên mạng;
(iii) Thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Chủ thể thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác phải thông báo cho người đó biết về hình thức, phạm vi, địa điểm, mục đích của việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin.
Những thông tin cá nhân không được xâm phạm
Quyền được bảo đảm thông tin cá nhân thuộc quyền nhân thân của cá nhân. Thông tin cá nhân phản ánh danh dự, nhân phẩm và uy tín của mỗi người, đây là những thứ bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình; việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp không cần đồng ý theo quy định pháp luật.
Trong môi trường mạng, bảo đảm thông tin cá nhân của người bệnh và người đang bị cách ly là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cá nhân đó, góp phần bảo vệ an ninh mạng. Hành vi lợi dụng không gian mạng xã hội để chia sẻ thông tin cá nhân của những người này với nội dung bịa đặt, sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác là hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng. Theo Khoản 2 Điều 3 và Khoản 5 Điều 37 Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đối với việc điều
trị cho người nhiễm Covid-19 và người đang bị cách ly, thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư của họ được ghi trong hồ sơ bệnh án phải được giữ bí mật. Đây là nguyên tắc quan trọng của người hành nghề khám, chữa bệnh và cũng là nghĩa vụ của họ.
Một số giải pháp bảo vệ quyền thông tin cá nhân trên môi trường mạng
Việc bảo vệ thông tin cá nhân cần sự chung tay hành động của các cơ quan, tổ chức và ý thức của mỗi công dân. Tuy nhiên, sự phức tạp và nguy hiểm của Covid-19; và sự khẩn trương trong phòng, chống dịch đã làm mờ nhạt yêu cầu về bảo vệ quyền lợi hợp pháp từ người bị xâm phạm quyền. Người bệnh dành phần lớn sự quan tâm cho việc chữa bệnh, hoặc việc cách ly của mình hơn là việc bảo vệ quyền lợi pháp lý. Vì vậy, mỗi người dùng mạng phải ý thức được vai trò bảo vệ thông tin cá nhân của mình bằng việc kịp thời cung cấp thông tin về bảo vệ an ninh mạng, nguy cơ đe dọa và hành vi xâm phạm an ninh mạng cho cơ quan có thẩm quyền. Đây là trách nhiệm của cá nhân sử dụng không gian mạng, theo Khoản 2 Điều 42 Luật An ninh mạng.
Cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân lưu trữ thông tin cá nhân của mình trên mạng thực hiện kiểm tra, đính chính hoặc hủy bỏ thông tin đó; hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm. Người bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin có tác động xấu đó. Nếu không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu xóa bỏ, truy cập xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên mạng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ hoặc của tổ chức, cá nhân khác.
Người dùng mạng nên lựa chọn thông tin có nguồn gốc xác thực từ cơ quan chính thống, chẳng hạn trang thông tin điện tử chính thống của ngành Y tế. Người dùng facebook cần cân nhắc, kiểm chứng thông tin trước khi kích nút ” like” , ” share” , không chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng và không đúng sự thật trên mạng xã hội. Nếu cần thiết phải chia sẻ thông tin, người đăng tin phải nhận được sự đồng ý từ chủ thể thông tin. Trước khi đăng, người đăng tin nên làm ẩn và không được chi tiết hóa các thông tin về nhân thân của người được đăng. Ngoài ra, việc nâng cao ý thức của người dân như tuyên truyền về tác hại của việc xâm phạm quyền và ý thức bảo vệ quyền, hướng đến bảo vệ quyền thông tin cá nhân và bảo đảm an toàn thông tin mạng là điều cần thiết ?